12:37 - Thứ bảy, 20/04/2024
Thông báo từ Hệ thống
Lỗi cảnh báo Lỗi cảnh báo: Illegal string offset 'exp_time' in file /includes/core/user_functions.php on line 155

Trang nhất » LĨNH VỰC HOẠT ĐỘNG » DÂN SỰ-HÔN NHÂN GIA ĐÌNH

HỘ GIA ĐÌNH VÀ TRÁCH NHIỆM TRẢ NỢ CỦA HỘ GIA ĐÌNH TRONG QUAN HỆ TÍN DỤNG

Thứ tư - 26/10/2011 09:24

THS. ĐÀO HOÀNG THẮNG – Trưởng ban Pháp chế Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam

1. Tổng quan về hộ gia đình

Trong giai đoạn hiện nay, hộ gia đình (HGĐ) đang là đối tượng đầu tư rất lớn của các ngân hàng thương mại (NHTM). Số lượng giao dịch tài chính, tín dụng giữa các HGĐ và ngân hàng không ngừng gia tăng.

Điều 106 Bộ luật Dân sự (BLDS) quy định: “HGĐ mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này”.

Theo từ điển luật học, thì HGĐ là “tập hợp nhóm người có quan hệ hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng”1. Như vậy, HGĐ ở nông thôn bao gồm những người có quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng và hôn nhân, sinh sống bằng nghề nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, là đơn vị sản xuất cơ bản, ổn định, là điều kiện quan trọng để tăng trưởng và phát triển kinh tế nông nghiệp. Do đó, HGĐ có đặc trưng riêng biệt, không giống như những đơn vị kinh tế khác, cũng vì thế mà HGĐ là đơn vị kinh tế xã hội khá đặc biệt. Gần đây, để phát triển kinh tế nông thôn, Đảng và Nhà nước đã ban hành các chính sách lớn nhằm nông nghiệp, nông thôn phát triển2.

Trên khía cạnh pháp lý, HGĐ có các điều kiện sau sẽ có thể là chủ thể quan hệ pháp luật dân sự (vay vốn, mua, bán, thuê, mượn,…) với đặc điểm: các thành viên có tài sản chung; cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định.

Khái niệm tài sản chung của HGĐ được hiểu theo quy định tại Điều 108 BLDS. Tài sản chung chính là khối tài sản do các thành viên của cả hộ tạo lập nên trong quá trình tiến hành các hoạt động kinh tế chung và các tài sản mặc dù thuộc sở hữu cá nhân nhưng có thỏa thuận góp vào khối tài sản chung, hoặc các tài sản được sử dụng vào mục đích hoạt động kinh tế chung. Tài sản chung này bao gồm: quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất (gồm cả đất ở và đất canh tác), rừng, rừng trồng của hộ khi được nhà nước giao đất canh tác, trồng rừng cho hộ và các tài sản chung được tạo thành theo các căn cứ được quy định tại Điều 170 BLDS.

 

Hoạt động kinh tế chung có thể hiểu là việc cùng canh tác trên một thửa ruộng, cùng làm một nghề thủ công như: làm giấy, in tranh, đồ mộc, đồ sành sứ, làm đồ thủ công mỹ nghệ, cùng sản xuất một loại sản phẩm… mà mỗi thành viên phụ trách một công đoạn trong quá trình sản xuất hoặc cùng tạo ra một nhóm sản phẩm và tiến hành phân phối, bán, cho thuê trong một tổng thể… và cùng được hưởng lợi từ các hoạt động kinh tế chung nêu trên. Việc hưởng lợi có thể là trực tiếp (nhận tiền, tài sản chia cho từng người) hoặc thông qua việc thụ hưởng chung các lợi ích như nhà ở, ăn uống, đi lại bằng tài sản chung.

Như vậy, các hoạt động đơn lẻ của thành viên HGĐ như mua bán phục vụ tiêu dùng cá nhân không được coi là quan hệ của HGĐ và HGĐ không phải chịu trách nhiệm với hành vi của cá nhân đó (trong trường hợp cá nhân đã thành niên và có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự).

Việc xác định tài sản chung, các hoạt động kinh tế chung của HGĐ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định trách nhiệm của HGĐ khi tham gia các quan hệ pháp luật dân sự đặc biệt là quan hệ tín dụng với NHTM.

Để tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự, HGĐ phải có năng lực chủ thể. Năng lực chủ thể của HGĐ có những nét tương đồng với năng lực chủ thể của pháp nhân: năng lực pháp luật và năng lực hành vi của HGĐ phát sinh đồng thời với việc hình thành HGĐ với tư cách chủ thể. Nhưng HGĐ không có tư cách chủ thể đầy đủ, trọn vẹn như pháp nhân vì thời điểm phát sinh, chấm dứt tư cách chủ thể của HGĐ là khó xác định và không rõ ràng như pháp nhân. Hiện tại, pháp luật chưa quy định cách thức, trình tự phát sinh hay chấm dứt một HGĐ mà phải căn cứ vào điều kiện thực tế tồn tại trong HGĐ đó để xác nhận. Có thể tồn tại trong một ngôi nhà có nhiều HGĐ với tư cách chủ thể, nhưng cũng có thể có HGĐ mà các thành viên sống ở nhiều ngôi nhà khác nhau, thậm chí, thành viên của HGĐ có nơi cư trú khác nhau, nếu thỏa mãn điều kiện “có tài sản chung để hoạt động kinh tế chung”.

Năng lực chủ thể của HGĐ có tính chất hạn chế, chỉ được tham gia vào các quan hệ dân sự liên quan đến quyền sử dụng đất: chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, đất ở, vay vốn ngân hàng để sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ… và tham gia vào một số quan hệ khác phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh chung của cả hộ. Việc hạn chế năng lực chủ thể của HGĐ liên quan đến tính chất các quan hệ dân sự của HGĐ.

HGĐ tham gia các giao dịch dân sự thông qua đại diện là chủ hộ theo Điều 107 BLDS. Thông thường, người đứng tên chủ hộ trong sổ đăng ký hộ khẩu là người đại diện của HGĐ. Chủ hộ phải là người đã thành niên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Chủ hộ có thể ủy quyền cho thành viên khác đã thành niên làm đại diện cho HGĐ. Người được ủy quyền là thành viên HGĐ phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Việc ủy quyền phải tuân thủ theo các quy tắc chung về ủy quyền. Giao dịch dân sự do người đại diện của HGĐ xác lập, thực hiện vì lợi ích chung của hộ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của cả HGĐ.

2. Quan hệ tín dụng giữa HGĐ với ngân hàng

Theo quy định của BLDS, trong quan hệ dân sự vay vốn với ngân hàng, chỉ các HGĐ có tài sản chung, có hoạt động kinh tế chung mới được phép giao dịch để vay vốn hoạt động sản xuất, kinh doanh trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định.

Việc phân biệt giao dịch dân sự do chủ hộ với tư cách là đại diện của HGĐ xác lập, với giao dịch dịch dân sự do chủ hộ tham gia với tư cách là cá nhân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để xác định là trách nhiệm của HGĐ hay trách nhiệm cá nhân.

BLDS có quy định về trách nhiệm dân sự của HGĐ tại Điều 110. Theo đó, khi chủ hộ với tư cách là người đại diện HGĐ xác lập, thực hiện quan hệ dân sự nhân danh HGĐ sẽ phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự cho cả hộ. HGĐ phải chịu trách nhiệm thực hiện những quyền và nghĩa vụ dân sự đó bằng tài sản chung của hộ, nếu tài sản chung không đủ để thực hiện nghĩa vụ thì các thành viên phải chịu trách nhiệm liên đới bằng tài sản riêng của mình. Nếu chủ hộ tham gia quan hệ dân sự với tư cách cá nhân thì sẽ chỉ cá nhân đó phải chịu trách nhiệm bằng tài sản riêng của mình. Tuy nhiên, rất khó để phân định rạch ròi trách nhiệm của chủ hộ với tư cách là cá nhân, và trách nhiệm của HGĐ do chủ hộ xác lập nhân danh HGĐ. Điều này dẫn đến những khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc thu hồi nợ.

Do có những đặc trưng riêng, nên nội dung của hợp đồng vay tiền của HGĐ tại NHTM ngoài những quy định chung tại BLDS, còn có những điều khoản cụ thể về điều kiện vay, mục đích sử dụng tiền vay, hình thức bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ, giá trị tài sản và phương thức trả nợ (bao gồm nợ gốc và nợ lãi). Các quy định trên đã được các NHTM ghi nhận rất cụ thể trong các mẫu hợp đồng. Một mặt, để các bên hiểu rõ quyền, nghĩa vụ, mặt khác, để xác định cụ thể trách nhiệm của người vay. Tùy từng trường hợp cụ thể, NHTM và các HGĐ vay vốn có thể cam kết, thỏa thuận cụ thể khác miễn là “không trái quy định của pháp luật và đạo đức xã hội”. Vì rằng, tuy chỉ có đối tượng vay chung là HGĐ, nhưng HGĐ trong sản xuất nông nghiệp khác với HGĐ vay để sử dụng trong ngư nghiệp, diêm nghiệp hoặc chuyên làm các ngành nghề thủ công mỹ nghệ.

Quan hệ nghĩa vụ của HGĐ với ngân hàng là quan hệ của một người có quyền và nhiều người có nghĩa vụ, người có nghĩa vụ ở đây chính là các thành viên của HGĐ. HGĐ khi hội tụ đầy đủ những yếu tố quy định sẽ được vay vốn của NHTM để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của hộ. Khi đó sẽ phát sinh nghĩa vụ trả nợ của cả HGĐ, được quy định tại Điều 290, Điều 474, Điều 475, BLDS: nghĩa vụ trả tiền phải được thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn, đúng địa điểm và phương thức đã thỏa thuận. Nghĩa vụ trả tiền bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Nghĩa vụ của bên đi vay trong hợp đồng vay tiền tín dụng có tính đặc thù so với nghĩa vụ của các bên có nghĩa vụ trong các loại hợp đồng khác. Nghĩa vụ cơ bản của bên đi vay là trả nợ đủ số tiền gốc đã vay cùng với số tiền lãi đã cam kết trong hợp đồng vay khi đến hạn. Nếu khi đến hạn trả nợ mà bên đi vay không trả nợ, hoặc trả không đầy đủ, thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ, nếu có thỏa thuận. Sử dụng tiền vay đúng mục đích, nếu có thỏa thuận cũng là một nghĩa vụ quan trọng đối với bên đi vay. Theo đó, nếu hai bên có thỏa thuận về nội dung này thì người vay chỉ có thể sử dụng và định đoạt số tiền vay đúng mục đích như đã ghi nhận trong hợp đồng. Khi đó, bên đi vay sẽ chịu sự giám sát, kiểm tra của người cho vay. Nếu phát hiện người vay sử dụng số tiền vay trái mục đích, thì người cho vay có quyền nhắc nhở, nếu đã nhắc nhở mà người vay vẫn không điều chỉnh mục đích sử dụng cho phù hợp, thì người cho vay có quyền đòi lại tài sản trước thời hạn (Điều 475 BLDS). Việc nhắc nhở có thể thực hiện bằng lời nói hoặc bằng văn bản. Thông thường, các tổ chức tín dụng nhắc nhở người cho vay nên nhắc nhở bằng văn bản để tiện cho việc quản lý chứng cứ. Luật không quy định rõ liệu người vay cần được nhắc nhở bao nhiêu lần; bởi vậy, về mặt lý thuyết, người cho vay chỉ cần nhắc nhở một lần. Dẫu sao, người cho vay phải dành cho người vay một thời gian hợp lý để thu hồi số tiền vay nhằm điều chỉnh mục đích sử dụng số tiền đó.

Hiện nay, pháp luật không có quy định về thể thức trả lãi, đặc biệt là về kỳ hạn thanh toán tiền lãi. Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ ấn định lãi suất theo tháng. Do vậy, kỳ hạn thanh toán lãi sẽ do các bên thỏa thuận; nếu không có thỏa thuận cụ thể thì lãi được thanh toán mỗi tháng. Theo tập quán giao dịch tại ngân hàng thì nếu người vay trả cho người cho vay một số tiền và không xác định rõ ý nghĩa của việc trả tiền, thì số tiền đó coi như được dùng để thanh toán lãi.

Pháp luật hiện hành chưa có quy định về chế tài trong trường hợp người vay không trả lãi đúng hạn. Bởi vậy, nếu có thỏa thuận về việc người cho vay được quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng trong trường hợp người vay không trả lãi đúng hạn, thì người cho vay có thể sử dụng quyền đó (ví dụ: nợ được đảm bảo bằng các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ có ghi trong hợp đồng, thì bên cho vay có quyền sử dụng các biện pháp đó); nếu không có thỏa thuận thì người cho vay có quyền yêu cầu cưỡng chế việc thực hiện nghĩa vụ trả lãi theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Nếu người vay không trả tiền lãi và người cho vay cũng không đòi, không nhắc nhở, thì tiền lãi được tích lũy cho đến thời hạn trả nợ gốc và sau đó nhập vào nợ gốc để làm căn cứ tính lãi suất nợ quá hạn.

Khi vay vốn của ngân hàng, HGĐ phải có biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo quy định của BLDS, Luật các Tổ chức tín dụng. Đây cũng chính là một nội dung quan trọng trong Hợp đồng vay vốn của HGĐ với ngân hàng. Trong thực tiễn hoạt động, các bên tham gia HĐTD thường lựa chọn áp dụng những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ phù hợp bằng tài sản theo HĐTD. Các biện pháp này theo quy định từ các Điều 318 đến Điều 373 BLDS.

Theo quy định của pháp luật dân sự thì chỉ có chủ sở hữu mới có quyền “…bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản” (Điều 197 BLDS). Một trong các hình thức định đoạt tài sản có tính chất tạm thời là chủ sở hữu dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ dân sự cụ thể. Khoản 1 Điều 199 BLDS quy định “quyền định đoạt chỉ bị hạn chế trong trường hợp do pháp luật quy định”. Vì vậy, những tài sản đã được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự thì chủ sở hữu đương nhiên bị hạn chế quyền định đoạt. Nghĩa là, những tài sản đã được thế chấp, cầm cố nhưng chưa được tổ chức tín dụng giải chấp, thì chủ sở hữu không được toàn quyền định đoạt tài sản một cách bình thường; hoặc khi chủ sở hữu thực hiện quyền định đoạt nhất thiết phải có sự đồng ý, cho phép và phải thực hiện dưới sự giám sát của tổ chức tín dụng đã nhận tài sản đó để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.

Do vậy, đối với hợp đồng vay tài sản của HGĐ thì nhất thiết phải là chủ hộ hoặc người được chủ hộ ủy quyền hợp pháp; trong trường hợp dùng tài sản thuộc sở hữu của HGĐ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự thì nhất thiết phải được sự đồng ý bằng văn bản của tất các thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên (trực tiếp ký vào hợp đồng hoặc có giấy ủy quyền hợp lệ) theo quy định tại Điều 109 BLDS.

3. Trách nhiệm trả nợ của HGĐ

Điều 110 BLDS quy định: “1. HGĐ phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện của HGĐ xác lập, thực hiện nhân danh HGĐ. 2. HGĐ chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản chung của hộ; nếu tài sản chung không đủ để thực hiện nghĩa vụ chung của hộ thì các thành viên phải chịu trách nhiệm liên đới bằng tài sản riêng của mình”.

Như vậy, khi HGĐ vay vốn của ngân hàng, trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ trả nợ mà không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và lãi mà các bên có thỏa thuận về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ, thì ngân hàng sẽ tiến hành xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Tài sản bảo đảm được xử lý theo phương thức do các bên đã thỏa thuận hoặc được bán đấu giá theo quy định của pháp luật để thực hiện nghĩa vụ theo đúng quy định của BLDS.

Trường hợp đã xử lý tài sản bảo đảm mà không đủ để trả hết nợ cho ngân hàng, thì HGĐ phải chịu trách nhiệm tiếp tục trả nợ bằng các tài sản chung của hộ. Nếu tài sản chung cũng không đủ để thực hiện nghĩa vụ chung của hộ thì các thành viên phải chịu trách nhiệm liên đới bằng tài sản riêng của mình. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì HGĐ phải có trách nhiệm dùng tài sản chung của hộ trả nợ; nếu tài sản chung không đủ để trả nợ thì các thành viên phải chịu trách nhiệm bằng tài sản riêng của mình.

Khoản 2 Điều 107 BLDS quy định: “Giao dịch dân sự do người đại diện của HGĐ xác lập, thực hiện vì lợi ích chung của HGĐ xác lập, thực hiện vì lợi ích chung của hộ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của cả HGĐ”. Vấn đề chưa rõ ở đây là, các thành viên HGĐ phải chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ theo quy định này là những thành viên đã đủ 15 tuổi có năng lực hành vi dân sự? hay bao gồm cả những thành viên chưa đủ 15 tuổi, thành viên đã đủ 15 tuổi nhưng không có khả năng nhận thức hành vi, có tài sản chung với cả gia đình vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới trả nợ với cả HGĐ? Trường hợp, nếu tài sản chung của HGĐ không đủ trả nợ thì thành viên dưới 15 tuổi, thành viên bị mất năng lực hành vi dân sự có tài sản riêng, có phải chịu trách nhiệm liên đới trả nợ?

Cũng theo quy định trên, trường hợp một hay nhiều thành viên của HGĐ không sinh hoạt (không ở cùng nhà) với các thành viên của HGĐ như sinh sống, làm việc tại một nơi khác nhưng vẫn có tên trong sổ hộ khẩu gia đình, khi người đại diện của HGĐ xác lập quan hệ tín dụng (vay tiền) với ngân hàng thì liệu thành viên đang làm việc ở nơi khác đó có phải chịu trách nhiệm trả nợ liên đới với các thành viên khác hay không? Ngân hàng có quyền yêu cầu người đó thực hiện nghĩa vụ trả nợ không?

Các vấn đề nói trên pháp luật chưa quy định rõ, nên rất khó xác định trách nhiệm, khó vận dụng để giải quyết các tình huống xảy ra trong thực tế tại các ngân hàng. Do đó, cần quy định tất cả các thành viên của HGĐ đã thành niên hay chưa thành niên đều phải liên đới chịu trách nhiệm trả nợ bằng tài sản chung và tài sản riêng của mình liên đới theo quy định tại Điều 298 BLDS. Tong trường hợp một hay nhiều thành viên khác của HGĐ sinh sống, làm việc ở địa phương khác (không cùng nhà) nhưng vẫn đứng tên trong sổ hộ khẩu gia đình thì sẽ không phải chịu trách nhiệm liên đới trả nợ với các thành viên khác của HGĐ. Bởi Điều 106 BLDS quy định tư cách chủ thể pháp luật của HGĐ như sau: “HGĐ mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này”, nên chỉ những thành viên của HGĐ có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định, mới tạo thành chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự với tư cách là HGĐ. Do đó, với những thành viên sinh sống, làm việc ở địa phương khác thì không thể có điều kiện tham gia, cùng đóng góp công sức vào hoạt động kinh tế chung (theo sự giải thích về hoạt động kinh tế chung đã phân tích ở trên). Mặt khác, thành viên đó lại làm việc trong lĩnh vực khác so với hoạt động kinh tế chung của HGĐ (sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp…) Vì vậy, không thể quy trách nhiệm trả nợ liên đới của thành viên HGĐ sinh sống, làm việc ở một địa phương khác với trách nhiệm liên đới của các thành viên khác của HGĐ. Theo quy định này, ngân hàng có quyền yêu cầu một (hoặc một số) thành viên của HGĐ thực hiện toàn bộ nghĩa vụ trả nợ của HGĐ trong các HĐTD.

Trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ trả nợ cho cả HGĐ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của hộ với mình. Nhưng trong các quy định của BLDS lại không có quy định về phần nghĩa vụ liên đới của các thành viên HGĐ. Do đó, khi một thành viên đã đứng ra thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho HGĐ bằng tài sản riêng thì được thực hiện quyền yêu cầu các thành viên khác phải trả tiền lại cho mình “theo phần nghĩa vụ liên đới” mà không xác định được phần nghĩa vụ liên đới của các thành viên còn lại như thế nào? Cho nên, thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp tranh chấp giữa các thành viên trong HGĐ. Những điều này cần được tính đến, khi sửa đổi, bổ sung BLDS.

Chú thích:

(1) Nhà xuất bản Tư pháp và Nhà xuất bản Từ điển bách khoa. Hà Nội 2006, trang 373.

(2) Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Nghị định về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong đó có nêu các yêu cầu về nguồn vốn. Cụ thể là: Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiêp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 23/02/2010 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 42/2009/QH12 của Quốc hội về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước…; Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/04/2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn).

Nguồn tin: thongtinphapluatdansu.wordpress.com

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

 

TƯ VẤN LUẬT
 
Luật sư: Lê Văn Hòe
Email: lehoe@luatsungaynay.com
Điện thoại: 0915471889

THỐNG KÊ TRUY CẬP

free page hit counter