Ly hôn, đòi bồi thường tuổi thanh xuân

TAND một quận tại TP.HCM đang giải quyết một vụ ly hôn khá hi hữu khi người vợ đòi chồng phải trả “tiền làm vợ” trong thời gian chung sống vì bà đã “hy sinh hết mực” cho chồng.Ra tòa, người vợ đặt điều kiện với chồng rằng muốn ly hôn thì phải bồi thường “tiền làm vợ” trong bốn năm nay.

 

Chồng đòi chia tay, vợ nhất quyết không chịu

Trước đó, giữa tháng 4, ông K. nộp đơn ra tòa xin ly hôn. Trong đơn, ông trình bày rằng ông kết hôn với bà H. từ năm 2007. Quá trình sống chung, do có mâu thuẫn về tính cách nên họ không còn thương yêu, quan tâm nhau nữa. Cảm thấy hôn nhân không còn ý nghĩa, ông quyết định đường ai nấy đi. Giữa hai người không có con chung, còn tài sản chung chỉ có một căn nhà mua trong thời kỳ hôn nhân. Ông K. yêu cầu tòa giải quyết cả việc phân chia căn nhà.

Thụ lý vụ án, tòa mời hai bên đến hòa giải. Trái với ông K., bà H. khăng khăng không chịu ly hôn. Bà nói vẫn thương yêu chồng, cuộc sống gia đình vẫn đang rất hạnh phúc. Để làm bằng chứng, bà H. trình cho tòa những tấm ảnh vợ chồng âu yếm chụp chung trong chuyến đi du lịch gần đây. Đặc biệt, trong các phiên hòa giải, bà luôn tranh thủ nhẹ nhàng hỏi chồng: “Em có làm gì mình buồn không, mình nói để em sửa”. Vợ thủ thỉ gì, ông K. cũng một mực im lặng. Khi tòa hỏi đến, ông vẫn nói là muốn ly hôn vì không thể sống chung nữa.

Bất ngờ đòi tiền… làm vợ

Thấy lạ, người thẩm phán giải quyết vụ việc cố công tìm hiểu nguyên nhân đích thực dẫn đến việc ông K. một hai đòi ly hôn nhưng cả hai vợ chồng đều kín như bưng, không ai tiết lộ gì. Cuối cùng, qua nhiều lần hòa giải không thành, mới đây tòa phải đưa vụ án ra xét xử.

 

Tại phiên xử, bà H. bất ngờ ra điều kiện là nếu muốn ly hôn thì ông K. phải bồi thường tiền… làm vợ cho bà. Bà nói suốt thời gian chung sống, bà chẳng có lỗi lầm gì, chỉ biết hy sinh hết mực cho chồng. Nay ông K. đã quyết đoạn tình thì phải trả giá.

Khổ nỗi, đưa ra yêu cầu như vậy nhưng bà H. lại bảo chưa thể tính được số tiền là bao nhiêu, cần có thời gian và đề nghị tòa hoãn xử. Thực chất, tòa vẫn chưa tìm ra nguyên nhân thật sự khiến ông K. đòi chia tay nên quyết định hoãn xử để tìm hiểu thêm.

Nguyên nhân đích thực

Sau đó, một lần đến làm việc với tòa, bà H. nức nở cho biết ông K. là mối tình đầu của bà. Yêu ông, bà vẫn quyết định đến với ông dù ông hơn bà rất nhiều tuổi, từng có một đời vợ với hai con riêng. Những tưởng hôn nhân hạnh phúc, bà chờ đợi một kết quả của tình yêu giữa hai người thành hình. Thế mà nhiều năm, dù quan hệ vợ chồng rất tốt, bà vẫn không có con. Đi khám, bác sĩ nói với bà mọi việc bình thường, không có gì đáng lo. Không nghĩ là nguyên nhân có thể từ phía chồng nên bà vẫn tiếp tục chờ đợi. Nhưng một lần, bà tình cờ biết được ông K. đã làm phẫu thuật triệt sản từ lâu và giấu nhẹm không cho bà biết.

Quá uất ức vì thấy mình bị lừa dối, từ đó bà nhiều lúc nặng lời, hằn học với ông dù vẫn còn yêu chồng. Rồi một ngày, nhận được giấy triệu tập từ tòa, biết ông muốn ly hôn, bà bị sốc, không muốn chấp nhận thực tế bởi theo bà, lỗi hoàn toàn thuộc về phía ông.

Đến đây, vị thẩm phán đã hiểu nguyên nhân sâu xa gây ra mâu thuẫn của họ. Ông mời ông K. đến làm việc rồi nói muốn tâm sự như hai người bạn. Ban đầu ông K. ngỡ ngàng không nói gì. Một lúc lâu, ông mới lên tiếng kể về đời mình. Hôn nhân không hạnh phúc, ông quyết định chia tay với người vợ đầu. Tài sản mất sạch về tay vợ, quá ngán ngẩm chuyện tình cảm, ông quyết tâm không đến với ai nữa, chỉ chí thú làm ăn để lo cho hai con. Trong thời gian suy sụp này, ông đã đi phẫu thuật triệt sản. Và đó chính là chuyện khiến ông phải ân hận hiện nay. Bởi lẽ trái tim ông rung động trở lại khi gặp bà H. Bà chung tay giúp ông từ công việc làm ăn cho đến gia đình. Thương sự đảm đang cũng như tấm lòng của bà, ông quyết định tiến tới hôn nhân lần nữa.

Vợ chồng sống với nhau rất hạnh phúc nhưng mọi chuyện trở nên buồn bã từ khi bà biết ông đã triệt sản. Dù vẫn yêu thương bà nhưng ông nghĩ mình phải ra đi bởi bà cần một đứa con mà ông thì không thể cho bà được. Ông đã từng nghĩ bù đắp cho bà bằng cách chiều chuộng hết mực nhưng những điều đó cũng không giúp bà thôi nghĩ về một đứa con chung giữa họ. Vì thế, ông cương quyết ly hôn để đôi bên không phải đau khổ thêm.

Nghe những lời tâm sự ấy, vị thẩm phán đã khuyên ông về nói chuyện thật bình tĩnh với vợ để hai bên có thể thấu hiểu nhau rồi mới quyết định mọi chuyện. Trong thâm tâm, vị thẩm phán rất muốn họ đoàn tụ nhưng nếu một bên cương quyết chia tay thì tòa cũng phải đưa ra xét xử.

Khi nào thì được ly hôn?

Theo Điều 89 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, nếu xét thấy tình trạng hôn nhân trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì tòa quyết định cho ly hôn.

Trên thực tế, khi giải quyết yêu cầu ly hôn, tòa phải xem xét từng trường hợp cụ thể. Trong quá trình giải quyết, nếu xét thấy những mâu thuẫn giữa hai vợ chồng chỉ là nhất thời, không đáng, có thể khắc phục được thì tòa sẽ bác đơn. Hoặc khi một bên cương quyết đòi ly hôn với lý do chồng (vợ) có quan hệ tình cảm với người khác mà không có căn cứ rõ ràng hoặc người chồng (vợ) đó đã sửa sai thì thẩm phán cũng tạo điều kiện cho hai bên đoàn tụ. Ngoài ra, tòa cũng bác đơn đối với những người xin ly hôn với lý do không chính đáng, chẳng hạn như đã sống chung hàng chục năm mà lại nói là tính tình không hòa hợp…

Dù vậy, gặp trường hợp xin ly hôn vì các lý do tế nhị như đời sống chăn gối không hòa hợp hay một bên vô sinh, các thẩm phán cũng không thể bác đơn một cách cứng nhắc mà còn tùy trường hợp, tùy ý chí của hai bên mới quyết định.

Một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM

Biên tập: Hoàng Yến