KHÁI NIỆM ĐẠI DIỆN VÀ PHÂN LOẠI ĐẠI DIỆN TRONG LĨNH VỰC THƯƠNG MẠI

THS. HỒ NGỌC HIỂN – Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam

Pháp luật về đại diện thương mại là một lĩnh vực pháp luật quan trọng trong hệ thống pháp luật thương mại. Các nước có nền kinh tế thị trường đều quan tâm xây dựng và phát triển hệ thống pháp luật về đại diện thương mại, nhằm tạo hành lang pháp lý cho sự ổn định và phát triển của nghề nghiệp đại diện, thông qua đó thúc đẩy thương mại phát triển. Ở Việt Nam, đại diện trong lĩnh vực thương mại là một vấn đề pháp lý tương đối mới mẻ cả về lý luận và thực tiễn. Bài viết này bước đầu nghiên cứu và đề xuất kiến nghị một số vấn đề cơ bản về khái niệm đại diện và phân loại đại diện trong lĩnh vực thương mại theo pháp luật Việt Nam hiện nay.

1. Khái niệm đại diện theo pháp luật Việt Nam

Về định nghĩa, Điều 139 Bộ luật Dân sự 2005 (BLDS 2005) quy định: đại diện là việc một người (sau đây gọi là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của người khác (sau đây gọi là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện.

Theo Luật Thương mại 2005, đại diện cho thương nhân là một loại trung gian thương mại, bên cạnh các hoạt động môi giới thương mại, uỷ thác mua bán hàng hoá và đại lý thương mại (Điều 3 Luật Thương mại 2005). Theo Điều 141 Luật Thương mại 2005, đại diện cho thương nhân là việc một thương nhân nhận uỷ nhiệm (gọi là bên đại diện) của thương nhân khác (gọi là bên giao đại diện) để thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa, theo sự chỉ dẫn của thương nhân đó và được hưởng thù lao về việc đại diện.

Luật Thương mại 2005 cũng xác định trong trường hợp thương nhân cử người của mình để làm đại diện cho mình thì áp dụng quy định của BLDS.

Từ những quy định trên, chúng ta có một số nhận xét sau đây:

Thứ nhất, có thể thấy, pháp luật Việt Nam đã có sự tiếp nhận và có sự hài hòa nhất định với quan niệm chung của các nước về đại diện và đại diện thương mại. Đại diện trước hết là hành vi của một chủ thể (gọi là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của một chủ thể khác (gọi là người được đại diện) để xác lập, thực hiện một giao dịch cụ thể. Đại diện cho thương nhân là hành vi đại diện nhằm mục đích lợi nhuận (vì là hành vi của thương nhân đại diện cho một thương nhân khác và để hưởng thù lao đại diện).

 

Bản chất của hành vi đại diện, bao gồm cả đại diện cho thương nhân, đại diện thương mại là việc người đại diện xác lập, thực hiện giao dịch với danh nghĩa và vì lợi ích của người được đại diện. Do đó, quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch thuộc về người được đại diện.

Pháp luật Việt Nam cũng đã quy định hai hình thức đại diện cơ bản trong hoạt động thương mại là thương nhân cử người của mình làm đại diện (đại diện thương mại phụ thuộc) và thương nhân sử dụng một thương nhân khác làm đại diện cho mình (đại diện thương mại độc lập).

Thứ hai, đại diện nói chung và đại diện cho thương nhân nói riêng đều lấy dấu hiệu người đại diện không nhân danh chính mình mà nhân danh người được đại diện. Đặc điểm này, theo Luật Thương mại 2005, là để phân biệt với các hình thức trung gian thương mại khác. Cụ thể, trong số các hình thức trung gian thương mại, ngoại trừ môi giới thương mại không có hành vi xác lập giao dịch với người thứ ba, chỉ có người đại diện là nhân danh người được đại diện (theo thuật ngữ của luật là người giao đại diện), còn lại, người nhận ủy thác và đại lý nhân danh chính mình giao kết với người thứ ba.

Thứ ba, người đại diện cho thương nhân, theo Luật Thương mại 2005 phải là một thương nhân để thực hiện các hoạt động thương mại. Như vậy, ở đây, Luật Thương mại không điều chỉnh các quan hệ đại diện sau đây:

- Quan hệ đại diện giữa thương nhân chuyên làm nghề đại diện với người được đại diện không phải là thương nhân. Đối với loại quan hệ này, thương nhân (bao gồm cả pháp nhân và thể nhân) có đăng ký hoạt động thương mại làm đại diện, nhân danh một người không phải là thương nhân để giao kết, thực hiện giao dịch với bên thứ ba. Trong thực tế, loại quan hệ này tương đối phổ biến khi người được đại diện là những người có nghề nghiệp tự do, đặc thù như ca sĩ, các vận động viên thể thao nổi tiếng, các nghệ sĩ nổi tiếng trong các lĩnh vực… Họ cần đến những thương nhân làm đại diện chuyên nghiệp để xác lập giao dịch với bên thứ ba để bảo vệ lợi ích của họ. Những người đại diện này hưởng thù lao đại diện cho các giao dịch họ xác lập được, tùy thỏa thuận giữa hai bên. Mặc dù, thương nhân làm đại diện có mục đích vì lợi nhuận, thậm chí, họ là đại diện độc quyền, nhưng hoạt động của họ không được Luật Thương mại 2005 coi là hoạt động thương mại và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thương mại.

- Quan hệ đại diện mà người đại diện cho thương nhân (không phải là người thuộc cơ cấu tổ chức của thương nhân) không phải là một thương nhân. Đây là loại quan hệ mà người đại diện cho thương nhân là một chủ thể không có đăng ký hoạt động thương mại, hoạt động của họ không phải là hoạt động thương mại. Thông thường, trong thực tiễn thương mại, họ là những người được thuê để đại diện cho lợi ích của người được đại diện (gọi là thân chủ hoặc khách hàng) như luật sư, cố vấn pháp lý, người đại diện của những người nổi tiếng trong một số lĩnh vực đặc thù thể thao, nghệ thuật…

- Quan hệ đại diện mà người đại diện là người thuộc cơ cấu tổ chức của thương nhân được đại diện. Trường hợp này, theo quy định của Luật Thương mại, quan hệ đại diện mà thương nhân cử người của mình làm đại diện sẽ được điều chỉnh bởi BLDS 2005 (Điều 141, Luật Thương mại 2005). Quy định của Luật Thương mại về vấn đề này không rõ ràng vì các quy định pháp luật không hề quy định các tiêu chí cụ thể để xác định trường hợp “thương nhân cử người của mình”. Dường như nhà làm luật hướng đến trong trường hợp này là doanh nghiệp (thương nhân) cử người trong nội bộ của mình, do mình tuyển dụng (người lao động) hoặc do mình ra quyết định bổ nhiệm (là những người lãnh đạo) làm người đại diện. Cách quy định như Luật Thương mại 2005, theo quan điểm của chúng tôi, là chưa hợp lý, vì:

Một là, Luật Thương mại 2005 không hề đưa ra một tiêu chí để xác định thế nào là người của thương nhân. Trên thực tiễn và theo quy định pháp luật, trong quan hệ đại diện, người đại diện luôn được coi là người của người được đại diện, có nghĩa vụ trung thành, tuân thủ sự chỉ dẫn của người được đại diện và luôn vì lợi ích của người được đại diện trong thời gian làm đại diện. Do đó có thể nói, về phương diện trung thành và vì lợi ích của người được đại diện, mọi người đại diện đều là người của người được đại diện.

Hai là, đối với trường hợp thương nhân cử người của mình làm đại diện, theo nguyên tắc áp dụng pháp luật về mối quan hệ giữa luật chung và luật chuyên ngành, các quy định pháp luật điều chỉnh trực tiếp quan hệ đó như pháp luật về tổ chức tín dụng, pháp luật về bảo hiểm, pháp luật về doanh nghiệp… sẽ được ưu tiên áp dụng trước. Trong trường hợp các quy định của pháp luật chuyên ngành không quy định, BLDS sẽ được áp dụng.

Ba là, kể cả trong trường hợp quan hệ đại diện giữa một thương nhân làm đại diện cho thương nhân khác, BLDS vẫn có thể được áp dụng theo nguyên tắc luật chung và luật chuyên ngành.

Do vậy, việc chỉ dẫn áp dụng BLDS như quy định của Luật Thương mại 2005 dường như không phù hợp và không cần thiết. Theo quan điểm của chúng tôi, Luật Thương mại 2005 không cần thiết quy định trường hợp thương nhân cử người của mình thì áp dụng quy định pháp luật nào, mà chỉ cần xác định phạm vi điều chỉnh của Luật Thương mại đối với quan hệ đại diện thương mại là đủ.

Thứ tư, Luật Thương mại 2005 điều chỉnh quan hệ đại diện cho thương nhân giữa một thương nhân làm đại diện độc lập cho một thương nhân khác. Điều này không có nghĩa là đại diện trong lĩnh vực thương mại chỉ bao gồm quan hệ đại diện giữa thương nhân làm đại diện và thương nhân được đại diện. Đại diện trong lĩnh vực thương mại gồm nhiều loại quan hệ đại diện mà chỉ cần giao dịch được người đại diện xác lập hay công việc mà người đại diện thực hiện nhân danh người được đại diện thuộc phạm vi thương mại là có thể xác định là đại diện thương mại. Như vậy, cần có sự phân biệt rõ giữa đại diện cho thương nhân theo Luật Thương mại và đại diện trong lĩnh vực thương mại nói chung. Cụ thể, có thể phân biệt hai phạm trù này trên những điểm sau: (i) về loại đại diện, đại diện cho thương nhân theo Luật Thương mại là loại đại diện thương mại độc lập giữa một thương nhân và một thương nhân và là một hình thức trung gian thương mại. Trong khi đó, đại diện thương mại là phạm trù rộng hơn, bao gồm cả đại diện thương mại độc lập và đại diện thương mại phụ thuộc, miễn là giao dịch được xác lập, công việc được thực hiện bởi người đại diện thuộc phạm vi hoạt động thương mại của thương nhân được đại diện; (ii) về hình thức pháp lý, hình thức pháp lý của quan hệ đại diện cho thương nhân là hợp đồng đại diện với tư cách là một loại hợp đồng thương mại; hình thức pháp lý của quan hệ đại diện thương mại bao gồm hợp đồng đại diện, điều lệ của tổ chức, văn bản phân công nội bộ… Điều này có nghĩa là, giao dịch đại diện thương mại nói chung có thể là hợp đồng hoặc giao dịch đơn phương; (iii) về nghĩa vụ đăng ký kinh doanh của người đại diện, người đại diện trong quan hệ đại diện cho thương nhân theo Luật Thương mại phải đăng ký kinh doanh ngành nghề hoạt động đại diện cho thương nhân. Việc không đăng ký có thể dẫn đến hợp đồng xác lập bị vô hiệu và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Người đại diện thương mại nói chung, ngoài trường hợp là thương nhân làm đại diện cho thương nhân khác, không phải đăng ký kinh doanh (vì không phải là thương nhân).

Từ đó chúng ta thấy rằng, Luật Thương mại 2005 điều chỉnh hoạt động đại diện thương mại theo phạm vi hẹp là quan hệ đại diện thương mại giữa người đại diện là thương nhân đại diện cho một thương nhân khác để giao kết, thực hiện hoạt động thương mại nhân danh và vì lợi ích của thương nhân được đại diện. Theo chúng tôi, cách tiếp cận này của Luật Thương mại là một hạn chế và không hài hòa với pháp luật của nhiều nước có nền kinh tế thị trường phát triển về đại diện thương mại, ngay cả với các nước thuộc hệ thống pháp luật civil law là hệ thống pháp luật Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng nhất. Ví dụ, Bộ luật Thương mại (BLTM) của Pháp tại Điều L134-1 quy định, người đại diện thương mại là người đại diện, với tư cách là người đại diện độc lập, được giao nhiệm vụ đàm phán và có thể giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa, thuê, cung cấp dịch vụ nhân danh nhà sản xuất, nhà tư bản công nghiệp, thương gia hoặc người đại diện thương mại khác. Người đại diện thương mại có thể là thể nhân hoặc pháp nhân1. BLTM của Đức tại Điều 84 cũng quy định người đại diện thương mại độc lập là một cá nhân hoặc một doanh nghiệp hành động một cách độc lập, thường xuyên cho một hoặc một nhóm người được đại diện với tư cách là một trung gian thương mại trong việc giao kết hợp đồng2. Chỉ thị số 86-653-EEC ngày 18/12/1986 về hợp tác pháp luật giữa các nước thành viên EC về người đại diện thương mại độc lập trong lĩnh vực mua bán hàng hóa cũng quy định các nước thành viên có các quy định phù hợp với Chỉ thị liên quan đến quan hệ giữa thương nhân và người đại diện thương mại độc lập, không nhất thiết người đại diện thương mại độc lập phải là một thương nhân. Pháp luật thương mại của các nước này cũng xác định căn cứ để xác định tính độc lập của người đại diện thương mại độc lập, khác với người lao động, chủ yếu dựa trên các tiêu chí là người đại diện thương mại độc lập tự tổ chức thực hiện công việc và tự quản lý thời gian làm việc của mình3.

Như vậy nhìn chung, pháp luật các nước thuộc hệ thống civil law đều quy định người đại diện thương mại độc lập không nhất thiết phải là thương nhân. Suy cho cùng, các chuẩn mực pháp lý điều chỉnh đối với thương nhân làm đại diện không có gì khác so với các chuẩn mực pháp lý điều chỉnh người đại diện thương mại độc lập, ngoại trừ nghĩa vụ đăng ký kinh doanh của thương nhân theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, nghĩa vụ này là nghĩa vụ đối với nhà nước, mang tính quản lý hành chính nhà nước và việc căn cứ vào việc không có đăng ký kinh doanh để tuyên vô hiệu một giao dịch của thương nhân bị coi là một điểm hạn chế của pháp luật Việt Nam, thậm chí là một điểm lạc hậu, lỗi thời4.

Thứ năm, nhà làm luật đã đưa dấu hiệu thù lao đại diện vào trong khái niệm đại diện cho thương nhân. Tuy nhiên, có thể khẳng định đây không phải là một dấu hiệu đặc trưng để xác định đại diện cho thương nhân hay không, vì trong thực tế, mặc dù thông thường thương nhân thực hiện hành vi đại diện cho thương nhân khác để hưởng thù lao đại diện. Thực chất, việc thù lao là do thỏa thuận giữa các bên và việc có hay không có thù lao không ảnh hưởng đến bản chất của quan hệ đại diện. Thông thường pháp luật của các nước cũng không đưa dấu hiệu thù lao vào trong khái niệm hay định nghĩa về đại diện, mà chỉ quy định về nghĩa vụ trả thù lao đại diện của người được đại diện tại quy định về nghĩa vụ của người được đại diện. Do đó, theo chúng tôi, khi sửa đổi nội dung này, nhà làm luật nên đưa nội dung này ra khỏi khái niệm đại diện trong Luật Thương mại 2005.

Từ những phân tích trên, chúng tôi đề xuất sửa khái niệm về đại diện cho thương nhân trong Luật Thương mại theo hướng như sau:

- Thay thuật ngữ đại diện cho thương nhân bằng thuật ngữ đại diện thương mại cho phù hợp với cách gọi thông dụng của các nước;

- Quan hệ đại diện thương mại chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại là quan hệ đại diện mà người đại diện là đại diện thương mại độc lập, không nhất thiết là thương nhân, có thể là pháp nhân hoặc thể nhân; đồng thời cũng nên xác định đại diện thương mại sẽ bao gồm cả quan hệ đại diện thương mại giữa người đại diện thương mại đại diện cho người đại diện thương mại khác;

- Tính độc lập của người đại diện thương mại độc lập được xác định dựa trên hai tiêu chí chủ yếu là: 1) người đại diện tự tổ chức thực hiện công việc đại diện của mình; 2) người đại diện tự quản lý thời gian làm việc của mình;

- Bỏ quy định: “trường hợp thương nhân cử người của mình để làm đại diện cho mình thì áp dụng quy định của BLDS”;

- Không nêu dấu hiệu thù lao đại diện trở thành một dấu hiệu trong khái niệm về đại diện thương mại.

2. Phân loại đại diện theo pháp luật thương mại Việt Nam

Dựa trên các tiêu chí phân loại khác nhau mà người ta có thể phân đại diện ở Việt Nam thành các loại khác nhau.

Căn cứ vào tính chất của quan hệ pháp luật được xác lập giữa người được đại diện và người thứ ba là quan hệ pháp luật dân sự hay quan hệ pháp luật thương mại, đại diện được phân thành đại diện dân sự và đại diện thương mại. Quan hệ đại diện thương mại là quan hệ giữa một thương nhân và người đại diện của thương nhân, theo đó, người đại diện của thương nhân nhân danh thương nhân được đại diện để xác lập, thực hiện một giao dịch vì lợi ích của thương nhân được đại diện. Ngoài phạm vi này, các quan hệ đại diện còn lại là quan hệ đại diện dân sự.

Căn cứ vào tính độc lập của người đại diện trong mối quan hệ với người được đại diện mà có quan hệ đại diện phụ thuộc và quan hệ đại diện độc lập. Quan hệ đại diện độc lập là quan hệ đại diện giữa một chủ thể là tổ chức và một người đại diện không thuộc tổ chức đó, quan hệ đại diện giữa người được đại diện và người đại diện độc lập hình thành trên cơ sở hợp đồng dịch vụ về đại diện. Trường hợp phổ biến là quan hệ đại diện giữa một chủ thể thuê luật sư làm đại diện cho mình trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước cơ quan tài phán, cơ quan quản lý nhà nước hoặc trong quan hệ kinh doanh với các đối tác. Việc thương nhân thuê một thương nhân khác làm đại diện cho mình theo quy định tại Luật Thương mại 2005 là trường hợp điển hình của quan hệ đại diện này. Trong trường hợp tổ chức cử người của mình làm đại diện thì ta có quan hệ đại diện phụ thuộc, theo đó, người đại diện là người của tổ chức đó, thực hiện công việc đại diện theo phân công, phân cấp hoặc chỉ đạo của tổ chức. Ví dụ điển hình cho trường hợp này là người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của người đại diện theo pháp luật ký kết hoặc thực hiện công việc của doanh nghiệp.

Căn cứ vào quy định của pháp luật, đại diện được chia thành đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền. Đại diện theo pháp luật là đại diện được xác lập theo pháp luật, có tính bắt buộc, trong lĩnh vực thương mại là trường hợp người đứng đầu pháp nhân theo quy định tại Điều lệ của pháp nhân hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (khoản 4 Điều 141 BLDS). Đại diện theo ủy quyền là đại diện mà người được đại diện và người đại diện xác lập quan hệ đại diện trên cơ sở thỏa thuận ủy quyền (Điều 142 BLDS). Về đại diện theo pháp luật của pháp nhân, trong lĩnh vực thương mại, người đại diện theo pháp luật được quy định trong Luật Doanh nghiệp và Điều lệ của doanh nghiệp.

Mặc dù không có quy định riêng về loại đại diện do phê chuẩn (agency by ratification) như ở các nước thuộc hệ thống common law, nhưng pháp luật Việt Nam cũng ghi nhận trường hợp một người đã hành động như một người đại diện có thẩm quyền (mặc dù không có thẩm quyền đại diện hoặc vượt quá thẩm quyền đại diện) nhưng sau đó được thương nhân đại diện đồng ý thì quan hệ đại diện được xác lập, giao dịch do người đại diện ký kết sẽ ràng buộc người được đại diện. Trước đây, theo Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế (HĐKT), HĐKT bị vô hiệu toàn bộ khi người ký kết HĐKT không đúng thẩm quyền (điểm c, khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh HĐKT 1989). Điều này dẫn đến một thực trạng là nhiều HĐKT bị vô hiệu do người ký kết hợp đồng là cấp phó, hoặc cấp trưởng phòng, mà không phải là người đại diện theo pháp luật. Mặc dù doanh nghiệp vẫn tiến hành thực hiện HĐKT, nhưng sau đó, vì một lý do nào đó, hợp đồng bị một bên yêu cầu tòa án tuyên bố vô hiệu. Để tránh tình trạng một bên lợi dụng điểm này khi thấy việc thực hiện hợp đồng không có lợi cho mình, Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao đã có Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP ngày 27/5/2003 hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết các vụ án kinh tế. Tại điểm 2, mục I Nghị quyết này có hướng dẫn:

“Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh HĐKT thì HĐKT bị coi là vô hiệu toàn bộ khi “người ký HĐKT không đúng thẩm quyền…”.

Để phù hợp với tinh thần quy định tại Điều 154 BLDS (1995) thì HĐKT không bị coi là vô hiệu toàn bộ, nếu người ký kết HĐKT không đúng thẩm quyền nhưng trong quá trình thực hiện HĐKT, người mà theo quy định của pháp luật có thẩm quyền ký kết HĐKT đó (sau đây gọi tắt là người có thẩm quyền) chấp thuận. Được coi là người có thẩm quyền chấp thuận nếu người đó đã biết HĐKT đã được ký kết mà không phản đối.

Được coi là người có thẩm quyền đã biết mà không phản đối khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a. Sau khi HĐKT đã được ký kết, có đầy đủ căn cứ chứng minh rằng người ký kết HĐKT đã báo cáo với người có thẩm quyền biết HĐKT đã được ký kết (việc báo cáo đó được thể hiện trong biên bản họp giao ban của Ban giám đốc, biên bản cuộc họp của Hội đồng thành viên hay Hội đồng quản trị, có nhiều người khai thống nhất về việc báo cáo là có thật…).

b. Người có thẩm quyền thông qua các chứng từ, tài liệu về kế toán, thống kê biết được HĐKT đó đã được ký kết và đang được thực hiện (đã ký trên hoá đơn, phiếu xuất kho, các khoản thu chi của việc thực hiện HĐKT hoặc trên sổ sách kế toán của pháp nhân…).

c. Người có thẩm quyền có những hành vi chứng minh có tham gia thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh theo thoả thuận của HĐKT (ký các văn bản xin gia hạn thời gian thanh toán, cam kết sẽ thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, ký các văn bản duyệt thu, chi hay quyết toán đối chiếu công nợ liên quan đến việc thực hiện hợp đồng kinh tế…).

d. Người có thẩm quyền đã trực tiếp sử dụng các tài sản, lợi nhuận có được do việc ký kết, thực hiện HĐKT mà có (sử dụng xe ôtô để đi lại, để kinh doanh mà biết do việc ký kết, thực hiện HĐKT đó mà có; sử dụng trụ sở làm việc do việc ký kết, thực hiện HĐKT thuê tài sản…).

Như vậy, trong hướng dẫn của Tòa án Nhân dân tối cao đã thừa nhận hành vi phê chuẩn đối với việc giao kết hợp đồng mà không có thẩm quyền giao kết của người đại diện. Tuy nhiên, đây chỉ là hướng dẫn cho một trường hợp cụ thể về người ký kết HĐKT không có thẩm quyền ký kết. Hiện nay, Pháp lệnh HĐKT 1989 đã hết hiệu lực. Các vấn đề này đã được ghi nhận và giải quyết tại Điều 145 BLDS 2005 về hậu quả của giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện và Điều 146 về hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, theo đó, giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ trường hợp người đại diện hoặc người được đại diện đồng ý; giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người được đại diện đồng ý hoặc biết mà không phản đối.

Tại các quy định này, BLDS cũng quy định điều kiện để việc phê chuẩn của người có thẩm quyền là có hiệu lực và trách nhiệm của người đại diện trong trường hợp này như sau: người đã giao dịch với người không có quyền đại diện phải thông báo cho người được đại diện hoặc người đại diện của người đó để trả lời trong thời hạn ấn định; nếu hết thời hạn này mà không trả lời thì giao dịch đó không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, nhưng người không có quyền đại diện vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình, trừ trường hợp người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc không có quyền đại diện. Như vậy, trong trường hợp này, người được đại diện có quyền từ chối hoặc thừa nhận hoặc phê chuẩn hành vi không có thẩm quyền của người đại diện là ràng buộc mình với điều kiện người đại diện phải thông báo cho người được đại diện hoặc người đại diện của người đó. Sự im lặng trong trường hợp này không được coi là đồng ý mà ngược lại, bị coi là không đồng ý.

Điểm khác biệt của pháp luật Việt Nam về đại diện trong lĩnh vực thương mại là không quy định đại diện do ngầm định (implied agency). Pháp luật của đa số các nước có nền kinh tế thị trường phát triển có quy định về đại diện do ngầm định, theo đó sự thỏa thuận giữa người đại diện và người được đại diện không nhất thiết phải biểu lộ rõ ràng bằng văn bản hoặc lời nói. Sự thỏa thuận có thể thể hiện một cách ngầm định giữa hai bên như là một thông lệ giữa hai bên, hoặc người đại diện có thể suy luận một cách hợp lý từ những hoàn cảnh cụ thể. Soi chiếu vào các quy định pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại chúng ta thấy:

- Đối với trường hợp người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, đại diện theo pháp luật được quy định rõ trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong điều lệ của doanh nghiệp.

- Đối với đại diện theo ủy quyền, mặc dù BLDS 2005 quy định hình thức uỷ quyền do các bên thoả thuận, trừ trường hợp pháp luật quy định việc uỷ quyền phải được lập thành văn bản (khoản 2 Điều 142) nhưng theo quy định của Luật Thương mại 2005, hợp đồng đại diện cho thương nhân phải được lập thành văn bản hoặc hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.

Như vậy, trong lĩnh vực thương mại, pháp luật Việt Nam không thừa nhận sự thỏa thuận ngầm định giữa người đại diện và người được đại diện. Đây là điểm hạn chế của pháp luật Việt Nam do không thừa nhận thói quen, thông lệ thương mại giữa các bên, tập quán ngành nghề hoặc khu vực. Đây là điểm hạn chế lớn của hệ thống pháp luật về đại diện trong lĩnh vực thương mại ở Việt Nam hiện nay. Nó một mặt thể hiện tính quá trọng hình thức văn bản, một mặt thể hiện tính không linh hoạt. Đồng thời nó phản ánh tâm lý thiếu niềm tin của những thương nhân với nhau và do đó, thể hiện sự kém phát triển của nền kinh tế thị trường.

Pháp luật thương mại Việt Nam cũng không quy định về đại diện hiển nhiên hoặc đại diện không thể phủ nhận (agency by estoppel). Đại diện hiển nhiên phát sinh trên cơ sở pháp luật mà không dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa người đại diện và người được đại diện. Đó là trường hợp khi người đại diện (thông thường là doanh nghiệp) làm cho bên thứ ba tin tưởng một cách hợp lý một người nào đó có thẩm quyền đại diện cho mình và đã giao kết hợp đồng. Trong trường hợp đó, người được đại diện không thể phủ nhận quan hệ đại diện và bị ràng buộc vào hợp đồng mà người đại diện đã ký kết5. Đối với loại đại diện này, người đại diện có thẩm quyền đại diện hiển nhiên (apparent authority). Thẩm quyền đại diện hiển nhiên của người được đại diện và người được đại diện không thể phủ nhận quan hệ đại diện cũng như sự ràng buộc bởi giao dịch mà người đại diện có thẩm quyền hiển nhiên đã giao kết là một nội dung quan trọng trong pháp luật về đại diện, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại, vì trong thực tế, có nhiều doanh nghiệp như ngân hàng, các công ty bảo hiểm để cho các nhân viên của mình giao kết hợp đồng với khách hàng. Khách hàng có quyền suy luận một cách hợp lý là nhân viên đó có thẩm quyền giao kết hợp đồng tín dụng hay hợp đồng bảo hiểm. Sẽ là không công bằng cho khách hàng khi ngân hàng hay công ty bảo hiểm đó từ chối thực hiện hợp đồng chỉ vì lý do nhân viên, đại lý của họ không có thẩm quyền đại diện.

Từ phân tích trên, chúng tôi kiến nghị BLDS và Luật Thương mại ghi nhận đại diện có thể được biểu hiện rõ ràng (bằng lời nói hoặc văn bản) hoặc ngầm định. Luật Thương mại cũng nên quy định đại diện thương mại không nhất thiết phải bằng hình thức văn bản hợp đồng. Các bên có thể chứng minh sự tồn tại của quan hệ đại diện bằng mọi cách. Cách quy định này cũng phù hợp với thông lệ trên thế giới, giữa thương nhân và người đại diện thương mại độc lập có thể có thông lệ, thói quen thương mại hoặc đại diện hiển nhiên và người đại diện có thẩm quyền đại diện hiển nhiên.

Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam cũng nên quy định về đại diện hiển nhiên, thẩm quyền đại diện hiển nhiên của người đại diện, theo đó, khi người được đại diện đã có hành vi làm cho người thứ ba tin tưởng một cách hợp lý một chủ thể nào đó là có thẩm quyền đại diện thì người được đại diện không thể phủ nhận thẩm quyền đại diện của chủ thể đó, cũng như chịu sự ràng buộc đối với giao dịch hoặc công việc mà người đại diện có thẩm quyền đại diện hiển nhiên đã thực hiện.

Chú thích:

(1) Distribution and Commercial Agency and EC Law, Alastair Gorrie Palshammar, Thuộc Commercial Agency and Distribution Agreements (3rd Edition) Editor: Geert Bogaert và Ulrich Lohmann, P.228

(2) Distribution and Commercial Agency and EC Law, Alastair Gorrie Palshammar, Thuộc Commercial Agency and Distribution Agreements (3rd Edition) Editor: Geert Bogaert và Ulrich Lohmann, P.292

(3) Distribution and Commercial Agency and EC Law, Alastair Gorrie Palshammar, Thuộc Commercial Agency and Distribution Agreements (3rd Edition) Editor: Geert Bogaert và Ulrich Lohmann, P.292

(4) Xem Nguyễn Quốc Vinh, Sự trở lại đáng lo ngại của một học thuyết lỗi thời, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp điện tử: http://www.nclp.org.vn/thuc_tien_phap_luat/su-tro-lai-111ang-lo-ngai-cua-mot-hoc-thuyet-loi-thoi

(5) Restatement Third of Agency (§2.05. Estoppel to deny existence of agency relationship); http://definitions.uslegal.com/a/apparent-authority/

Nguồn tin: thongtinphapluatdansu.wordpress.com