ĐĂNG KÝ THẾ CHẤP BẰNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT HOẶC BẰNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT VÀ TÀI SẢN GẮN LIỀN VỚI ĐẤT TẠI VĂN PHÒNG ĐĂNG KÝ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT CẤP HUYỆN

 

Trình tự thực hiện:

1. Nộp hồ sơ đăng ký thế chấp:

- Nếu bên thế chấp là hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất, sở hữu tài sản gắn liền với đất tại phường, thì hồ sơ đăng ký thế chấp nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi có đất, tài sản gắn liền với đất hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi có đất, tài sản gắn liền với đất đối với nơi chưa thành lập hoặc không thành lập Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (sau đây gọi chung là Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện).

- Nếu bên thế chấp là hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất, sở hữu tài sản gắn liền với đất tại nông thôn (xã, thị trấn), thì hồ sơ đăng ký thế chấp nộp tại UBND xã, thị trấn nơi có đất, tài sản gắn liền với đất.

Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường nơi có đất, tài sản gắn liền với đất không từ chối đăng ký trong trường hợp bên thế chấp là hộ gia đình, cá nhân tại nông thôn (xã, thị trấn) có nhu cầu đăng ký và nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan đăng ký.

2. Giải quyết việc đăng ký thế chấp

a) Thực hiện việc đăng ký tại cơ quan đăng ký

- Sau khi tiếp nhận hồ sơ đúng thẩm quyền và hợp lệ và người nộp hồ sơ đã nộp lệ phí đăng ký thì cán bộ đăng ký phải ghi thời điểm nhận hồ sơ (giờ, phút, ngày, tháng, năm) vào Đơn yêu cầu đăng ký; vào Sổ tiếp nhận hồ sơ đăng ký thế chấp và cấp cho người yêu cầu đăng ký phiếu hẹn trả kết quả đăng ký.

- Trường hợp có căn cứ từ chối đăng ký thì cán bộ đăng ký từ chối đăng ký và hướng dẫn người yêu cầu đăng ký thực hiện theo đúng quy định. Việc từ chối đăng ký phải được lập thành văn bản và nêu rõ lý do từ chối.

Trường hợp Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất từ chối đăng ký thì trả lại toàn bộ hồ sơ và lệ phí đăng ký đã thu cho người yêu cầu đăng ký hoặc gửi cho UBND xã, thị trấn, nếu hồ sơ đăng ký được nộp tại UBND xã, thị trấn.

- Chứng nhận việc đăng ký vào Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp.

b) Trong trường hợp nộp hồ sơ tại UBND xã, thị trấn

- UBND xã, thị trấn thu lệ phí đăng ký; vào Sổ tiếp nhận hồ sơ đăng ký thế chấp và trao cho người yêu cầu đăng ký giấy biên nhận hồ sơ.

- Trong thời hạn không quá ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, UBND xã, thị trấn có trách nhiệm chuyển toàn bộ hồ sơ và lệ phí đăng ký đã thu cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện.

- Cơ quan đăng ký thực hiện việc đăng ký như điểm a
Trong thời hạn không quá ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả đăng ký hoặc nhận được hồ sơ và lệ phí đăng ký (trong trường hợp từ chối đăng ký), UBND xã, thị trấn có trách nhiệm trả cho người yêu cầu đăng ký.

c) Trong trường hợp cán bộ địa chính xã được uỷ quyền thực hiện việc đăng ký thì thực hiện việc đăng ký tương tự công việc như đối với cán bộ đăng ký

- Kiểm tra mức độ đầy đủ và tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký thế chấp và chỉ tiếp nhận hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ thuộc phạm vi được ủy quyền giải quyết;

- Ghi vào Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp thời điểm nhận hồ sơ (giờ, phút, ngày, tháng, năm), ký và ghi rõ họ tên vào phần xác nhận đăng ký thế chấp, đóng dấu của UBND xã;

- Thu lệ phí đăng ký thế chấp; viết giấy biên nhận lệ phí đăng ký thế chấp.

3. Nhận kết quả đăng ký thế chấp tại nơi nộp hồ sơ đăng ký thế chấp hoặc qua đường bưu chính có bảo đảm (theo yêu cầu của người yêu cầu đăng ký) nếu nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện.

Cách thức thực hiện: Nộp tại trụ sở Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện hoặc UBND xã, thị trấn.

Thành phần hồ sơ:

Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp hai (02) bản; văn bản uỷ quyền (nếu có);

- Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất có công chứng, chứng thực theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 130 của Luật Đất đai hoặc có xác nhận của Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao theo quy định tại khoản 10 Điều 2 của Nghị định số 17/2006/NĐ-CP, một (01) bản.

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Số lượng hồ sơ: 01 bộ

Thời hạn giải quyết:

Trường hợp hồ sơ đăng ký hợp lệ có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thì việc đăng ký thế chấp được thực hiện trong ngày nhận hồ sơ; nếu nộp hồ sơ đăng ký sau ba (03) giờ chiều thì việc đăng ký thế chấp được thực hiện chậm nhất trong ngày làm việc tiếp theo.

Trường hợp hồ sơ đăng ký không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mà chỉ có một trong các giấy tờ hợp lệ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật Đất đai, việc đăng ký thế chấp được thực hiện trong thời hạn không quá năm (05) ngày làm việc, kể từ ngày Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ.

Lưu ý: Trong trường hợp nộp hồ sơ tại UBND xã, thị trấn thì trong thời hạn được tính cụ thể như sau:

- Trong thời hạn không quá ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, UBND xã, thị trấn có trách nhiệm chuyển toàn bộ hồ sơ và lệ phí đăng ký đã thu cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện.

- Trong thời hạn không quá ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả đăng ký hoặc nhận được hồ sơ và lệ phí đăng ký (trong trường hợp từ chối đăng ký), UBND xã, thị trấn có trách nhiệm trả cho người yêu cầu đăng ký.

Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân, tổ chức

Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:

Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng tài nguyên và Môi trường huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (đối với nơi chưa thành lập hoặc không thành lập Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất), UBND xã, thị trấn theo uỷ quyền

Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (có xác nhận của cơ quan trực tiếp thực hiện đăng ký) và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận tài sản gắn liền với đất (nếu có).